Gallery Post

Dầu giá rẻ không hẳn tốt với các nước nhập khẩu dầu châu Á

10:00 AM
Các tác động của giá dầu thô thấp hơn không hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế các nước nhập khẩu dầu ở châu Á vì các yếu tố như nợ hộ gia đình cao, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Deutsche Bank cho biết.

Dầu giá rẻ không hẳn tốt với các nước nhập khẩu dầu châu Á. Tin giá dầu thế giới.

Giá dầu thô thế giới đã giảm một nửa kể từ mức cao nhất hồi tháng 6.2014. Giá dầu Mỹ và dầu Brent giao dịch ở quanh mức thấp nhất trong 7 năm qua hôm 10.12, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kiên quyết không giảm sản lượng.
Theo trang Channel News Asia, chuyên gia Taimur Baig chuyên về kinh tế châu Á của ngân hàng Deutsche Bank cho hay quan điểm cho rằng giá dầu rẻ là có lợi cho vài nền kinh tế châu Á chỉ “đúng một phần”.
Khi giá dầu thô sụt giảm tác động tiêu cực đến các nước xuất khẩu châu Á như Malaysia, một số nhà phân tích cho rằng các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nhà nhập khẩu dầu, sẽ hưởng lợi từ cải thiện trong cán cân thanh toán và lạm phát thấp hơn. Tuy nhiên, những lợi ích trên không đủ để cải thiện rõ rệt tốc độ tăng trưởng kinh tế.
“Giá cả hàng hóa thấp có thể làm giảm lạm phát, giảm chi phí trợ cấp năng lượng, nhưng cũng có thể làm tổn thương lĩnh vực hàng hóa. Hơn nữa, nếu việc điều chỉnh hàng hóa được diễn ra trong môi trường nợ cao và đầu tư quá mức, những tác động có lợi có thể bị hạn chế”, ông Baig nói.
Sự bùng nổ đầu tư trong khu vực gần đây tập trung vào lĩnh vực các loại hàng hóa, nhiều nước tập trung xây dựng thiết bị tìm kiếm dầu khí và lọc dầu “khi giá cả giảm, các khoản đầu tư như vậy sẽ không còn kinh tế và tạo ra các cơn gió ngược thổi vào tăng trưởng”, ông Baig bổ sung.
Lấy Ấn Độ làm ví dụ. Sự sụt giảm lớn của giá dầu lúc đầu được xem như điều lành cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vì nó có thể giúp kìm hãm lạm phát, giúp quản lý thâm hụt tài sản vãng lai của nước này. Song thay vào đó, giá dầu thấp dẫn đến việc xuất khẩu suy giảm trong tháng 10, tháng thứ 11 liên tiếp số liệu này lao dốc. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu khí đã giảm.
Một yếu tố khác làm giảm ảnh hưởng tích cực từ thùng dầu giá rẻ là nợ hộ gia đình rất cao ở các nước như Thái Lan, Hàn Quốc và Singapore. “Khi người tiêu dùng phải trả ít tiền xăng, họ có nhiều tiền hơn để tiêu xài. Trên lý thuyết thì đây là điều tốt nhưng thực tế chúng ta chưa nhìn thấy sự tăng vọt nào trong tiêu dùng. Khi mọi người đang mắc nợ nhiều và họ được giảm thuế dưới hình thức giá năng lượng rẻ đi, họ dùng tiền để trả nợ thay vì mua nhiều sản phẩm hơn, ông Baig nói”.
Rajiv Biswas, chuyên gia về khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng HIS, thì ít bi quan hơn so với ông Baig. Ông cho rằng các nước châu Á như Ấn Độ, Malaysia và Indonesia đang tận dụng cơ hội từ giá dầu rẻ để thực hiện các cải cách cơ cấu quan trọng. Đây là những cải cách tài chính dài hạn mà theo ông là rất tích cực.
Theo Reuters, Thanh Niên, VietTimes

Share this post

Related Posts

Previous
Next Post »